Tư vấn ngay: 1900 636 985

0

Giỏ hàng

Giỏ hàng của bạn đang trống

Cảnh báo 5 dấu hiệu trẻ thông minh giả

Mục lục

"Thông minh giả" hay "trí thông minh giả tạo" là cụm từ để chỉ việc trẻ cố tỏ ra thông minh nhưng thực tế lại thiếu hiểu biết, kỹ năng và ích kỷ. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra cho mẹ 5 dấu hiệu trẻ thông minh giả để có hướng điều chỉnh phù hợp, tránh việc giả thông minh ảnh hưởng đến khả năng phát triển cá nhân của bé sau này.

5 dấu hiệu trẻ thông minh giả

5 dấu hiệu trẻ thông minh giả

Cha mẹ luôn cảm thấy hạnh phúc khi con lanh lợi, nhanh nhẹn hơn bạn bè đồng trang lứa. Tuy nhiên không phải lúc nào hành động "khôn vặt" của trẻ cũng đáng khen ngợi. Đôi khi, đó chính là dấu hiệu trẻ thông minh giả, nếu không ngăn ngừa kịp thời có thể trở thành thói xấu trong tương lai.

Lợi dụng người khác

Nhiều trẻ có khả năng hoạt ngôn và giỏi ăn nói, luôn tìm cách lợi dụng lòng tốt của người khác. Có những bậc phụ huynh cho rằng đây là dấu hiệu của sự thông minh, tương lai trẻ sẽ làm lãnh đạo.

Tuy nhiên, đây thực chất là tính cách xấu ở trẻ. Nếu cha mẹ dung túng cho trẻ sẽ nuôi dưỡng suy nghĩ muốn gì được nấy và khó xây dựng được tình cảm chân thành với mọi người. Mọi hành động của trẻ khiến những người xung quanh khinh ghét và không muốn ở bên cạnh.

Hay nịnh bợ, tâng bốc

Một số trẻ thường được cha mẹ dành nhiều lời khen như “thông minh, đáng yêu” khi thấy bé biết cách giả vờ nịnh bợ, tâng bốc người khác để chiếm được tình cảm. Đôi khi, con nói trái lòng mình để làm vừa lòng người khác.

Thực tế đây là một thói quen xấu. Trẻ có thể nghĩ rằng chỉ cần dùng khả năng ăn nói là không cần làm việc, sống ích kỷ và chỉ tập trung làm hài lòng người khác.

Bên cạnh đó, khi có người nhìn ra việc nịnh bợ, tâng bốc của đứa trẻ chỉ là giả tạo thì cảm giác ghét bỏ là chuyện đương nhiên. Cha mẹ hãy nhớ rằng chỉ có người nhà mới dễ thông cảm cho nhau, nhưng đối với ngoài xã hội thì cách phản ứng lại rất khác.

Ích kỷ, không biết chia sẻ

Trẻ con bảo vệ đồ đạc của mình là hành động dễ hiểu. Tuy nhiên, không ít bé có thói quen tranh dành đồ chơi với bạn trong lớp, không chờ đến lượt khi chơi chung ở khu vui chơi. Khi chơi với anh/chị, trẻ có xu hướng không nhường nhịn, cố giành phần hơn. Đây là biểu hiện của hành vi ích kỷ, không biết chia sẻ.

Hiểu rằng cha mẹ nào cũng muốn dành điều tốt đẹp nhất cho con. Thế nhưng, việc nuông chiều quá mức có thể khiến bé bị cô lập và không biết cách hợp tác trong công việc tương lại. 

Trẻ thông minh giả có tính ích kỷ và không biết chia sẻ

Bé có tính cách ích kỷ, không biết chia sẻ với người khác 

Trốn tránh trách nhiệm

“Tại chị làm đấy”, “Là do ba bị", "Tại cái ghế", "Tại cái bàn"... Chắc hẳn ba mẹ sẽ có ít nhất 1-2 lần bắt gặp con lý sự để trốn tránh trách nhiệm. Thậm chí nhiều bà, nhiều mẹ cũng làm hành động "đổ lỗi" như "đánh cái bàn, đánh cái ghế" làm con ngã.

Các nhà tâm lý học cho rằng hành động này không chỉ không thể hiện sự thông minh mà còn làm giảm đi tinh thần trách nhiệm và sự dũng cảm của trẻ.

Nếu muốn con độc lập trong tương lai, hãy khuyến khích bé tự chịu trách nhiệm với việc làm của bản thân. Chỉ như thế, bé mới có động lực cố gắng và phấn đấu để có thành quả xứng đáng dành cho chính mình.

Không biết cách từ chối

Có những đứa trẻ luôn tìm cách chiều lòng người khác mà không phân định đúng sai, luôn làm mọi việc khi có người đề nghị. Nếu mẹ nghĩ rằng trẻ như vậy là ngoan, biết suy nghĩ, thông minh và hiểu chuyện thì mẹ đã nhầm. 

Một đứa trẻ không biết nói lên mong muốn của mình thường lấy sự công nhận của người khác làm mục tiêu sống và dễ mất phương hướng. Trẻ thường xuyên có cảm giác chán nản, hoang mang hoặc lo sợ khi phải tự đưa ra một quyết định nào đó.

5 dấu hiệu trẻ thông minh giả: không biết từ chối

Không biết cách từ chối là một trong 5 dấu hiệu trẻ thông minh giả

Những biểu hiện của trí thông minh không thể làm giả

Trẻ thông minh giả rất dễ nhầm lẫn với trẻ thông minh thật. Tuy nhiên, vẫn có nhiều đặc điểm của trí thông minh không thể làm giả. Cha mẹ tinh tế có thể phân biệt dựa vào một số điểm sau đây:

  • Tính tò mò và ham học hỏi: Trẻ thông minh giả thường lơ đãng và không để ý đến thế giới xung quanh. Trong khi trẻ thông minh thật luôn đặt ra câu hỏi tới cùng và không ngại khám phá những điều mới mẻ.
  • Khả năng sâu chuỗi sự kiện: Trẻ thông minh giả khó tập trung, do đó không thể sâu chuỗi các sự kiện. Trong khi trẻ thông minh thật hiểu vấn đề và có thể trình bày rành mạch.
  • Tinh thần trách nhiệm: Trẻ thông minh giả thường khó hoàn thành một công việc được giao. Trong khi trẻ thông minh thật dễ dàng hoàn thành và luôn chịu trách nhiệm khi gặp phải sai lầm.
  • Khả năng sáng tạo: Trẻ thông minh giả thường nói và làm theo lối mòn. Trong khi trẻ thông minh thật có nhiều ý tưởng sáng tạo và phá cách.
  • Khả năng diễn đạt cảm xúc: Trẻ thông minh giả có những đòi hỏi vô lý hoặc không lý giải nổi nhu cầu của bản thân. Trong khi trẻ thông minh thật biết mình muốn gì và biết cách biểu đạt cảm xúc.

Trẻ thông minh thật luôn thích khám phá

Trẻ thông minh thật luôn đặt ra câu hỏi và tìm hiểu thế giới xung quanh

Cách khắc phục trẻ thông minh giả

5 dấu hiệu trẻ thông minh giả có thể trở thành những điểm yếu khi con khôn lớn, nhất là khi cộng đồng ngày càng coi trọng trí thông minh và thực lực của trẻ. Do đó, cha mẹ cần có những biện pháp can thiệp kịp thời, ngăn chặn hành vi giả thông minh và xây dựng thói quen kỷ luật từ khi còn bé.

Thẳng thắn chỉ ra lỗi lầm của con

Mỗi lần bé có biểu hiện thông minh giả, ba mẹ cần thẳng thắn phân tích lỗi lầm của trẻ. Cha mẹ cần dạy cho trẻ nói lời chân thật và những tác hại khi con nói dối, khoác lác.

Dù còn nhỏ nhưng các bé đã hiểu hết thông điệp mà cha mẹ muốn nói qua từng cử chỉ, lời nói và nét mặt. Nếu thấy con nghịch giỡn, vô tình làm ra những hành động vô phép, thay vì tươi cười, hãy nghiêm mặt lại và chỉ ra hành vi của con là sai.

Không phản ứng thái quá khi trẻ làm sai

Cha mẹ không dung túng cho việc trẻ nói dối, khoác lác, song cũng cần nhẹ nhàng và không tỏ thái độ gay gắt khi con làm sai. Hãy nhớ mọi lỗi lầm đều có thể khắc phục và sửa chữa. Chỉ cần một lần bị cha mẹ la mắng, con có thể nghĩ ra hàng trăm lý do để biện minh cho bản thân trong những lần sau.

Thường xuyên trò chuyện với bé

Trò chuyện và lắng nghe trẻ sẽ giúp bé tăng khả năng giao tiếp, kích thích não bộ phát triển hiệu quả hơn. Trò chuyện cũng là cách đơn giản nhất để ba mẹ hiểu được trẻ nghĩ gì và có những điều chỉnh cho phù hợp. 

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên xây dựng tình cảm và niềm tin ở trẻ bằng cách tương tác, chơi đùa với con. Điều này có thể hỗ trợ tích cực đến quá trình phát triển cảm xúc và trí tuệ của trẻ.

Trò chuyện và lắng nghe trẻ để con có định hướng đúng đắn

Việc trò chuyện và lắng nghe trẻ sẽ giúp bé tăng khả năng giao tiếp

Tạo điều kiện để trẻ vui chơi thoải mái

Với con trẻ, vui chơi chính là cơ hội để học tập và làm quen với với thế giới bên ngoài. Các hoạt động vui chơi cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện về mặt thể chất, trí tuệ, cảm xúc và hình thành các kỹ năng cơ bản trong cuộc sống.

Bé sẽ học được cách xử lý tình huống, phối hợp và nhận biết cảm xúc của người khác khi vui chơi cùng bạn bè, cha mẹ. 

Khi đã có đủ các trải nghiệm thực tế, trí thông minh thực sự của trẻ sẽ được bộc lộ mà không cần giả tạo.

Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử

Sử dụng các thiết bị điện tử quá sớm khiến trẻ trở nên thụ động. Nhiều bé không phân biệt được thế giới thực và thế giới trong điện thoại. Việc tiêu thụ nội dung nhanh và ngắn cũng hạn chế khả năng suy nghĩ sâu và giảm sự tập trung ở trẻ.

Những em bé sử dụng thiết bị điện tử sớm và lâu dài có thể nhại lại các thông tin trên mạng một cách máy móc, thụ động. Cha mẹ cứ tưởng em biết hết nhưng thực ra con lại không hiểu rõ vấn đề do chưa có khả năng phản biện.

Đối với trẻ dưới 2 tuổi, tốt nhất không nên cho bé sử dụng thiết bị điện tử. Trẻ từ 2-5 tuổi, thời gian sử dụng thiết bị điện tử tối đa chỉ nên là 1 giờ/ngày và không quá 3 giờ/tuần.

Rèn cho con thói quen đọc sách

Thay vì cho con sử dụng điện thoại, cha mẹ hãy rèn cho bé thói quen đọc sách. Đọc sách giúp trẻ phát huy trí tưởng tượng, tính kiên trì, khả năng diễn đạt ngôn ngữ và khả năng sâu chuỗi sự việc.

Qua việc đọc sách ba mẹ có thể cùng bé rút ra những bài học từ nhân vật và tình tiết trong truyện, từ đó xây dựng nhiều phẩm chất đáng quý ở trẻ như tính thật thà, dũng cảm, khiêm tốn.

Kết luận

5 dấu hiệu trẻ thông minh giả cho thấy không phải biểu hiện nổi trội nào của trẻ cũng là những dấu hiệu tích cực. Cha mẹ cần thực sự tỉnh táo và nghiêm túc để nhìn nhận trẻ đúng mực, từ đó có những biện pháp giáo dục phù hợp.

Mỗi em bé đều có một tiềm năng phát triển vô hạn. Dù trẻ thông minh giả hay thông minh thật, cách giáo dục và sự đồng hành của cha mẹ luôn luôn là yếu tố then chốt dẫn dắt và định hình nhân cách của trẻ sau này.

Bài viết trên đây đã cung cấp cho mẹ 5 dấu hiệu trẻ thông minh giả và cách giáo dục, định hướng nhân cách đúng đắn cho bé. Để xem thêm các bài viết về chủ đề nuôi dạy trẻ khỏa thể chất, mạnh tinh thần, mời mẹ theo dõi BioAmicus. Liên hệ hotline 1900 636 985 để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.



Bài viết liên quan