Bé bị đầy bụng có nên uống sữa? Giải đáp cụ thể cho ba mẹ

Mục lục

Sữa là nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên bé bị đầy bụng có nên uống sữa hay không là nỗi bận tâm của nhiều ba mẹ. Hãy cùng BioAmicus giải đáp chi tiết qua bài viết dưới đây!

Bé bị đầy bụng có nên uống sữa không?

Nguyên nhân gây đầy bụng ở trẻ

Để biết có nên tiếp tục cho bé uống sữa hay không, trước hết mẹ cần nắm được đâu là nguyên nhân gây nên tình trạng đầy bụng ở trẻ.

Nuốt nhiều không khí

Quá trình sinh hoạt hằng ngày có thể khiến trẻ vô tình nuốt phải nhiều không khí vào đường tiêu hóa. Điều này thường xảy ra khi bé bú mẹ hoặc bú bình sai tư thế, khiến không khí lọt vào theo dòng sữa. Ngoài ra, khi bé khóc to, cười lớn trong thời gian dài cũng làm lượng không khí đi vào dạ dày nhiều hơn, dẫn đến đầy hơi, chướng bụng.

Tiêu hóa không hiệu quả

Hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ, nhất là ở giai đoạn sơ sinh, còn non nớt và chưa hoàn thiện về cả cấu trúc lẫn chức năng. Vì vậy, bé có thể gặp khó khăn trong việc phân giải một số thành phần dinh dưỡng trong sữa và thức ăn. Khi quá trình tiêu hóa diễn ra không trọn vẹn, lượng khí sinh ra trong ruột sẽ tăng lên, dễ dẫn tới tình trạng đầy bụng, chướng hơi ở trẻ.

Do các vấn đề bệnh lý

Trong một số trường hợp, đầy hơi không chỉ là vấn đề sinh lý thông thường mà còn là dấu hiệu của các bệnh lý tiềm ẩn.

  • Bất dung nạp Lactose: Cơ thể bé thiếu hụt men lactase để tiêu hóa đường lactose trong sữa, gây nên các triệu chứng đầy hơi, phân chua, tiêu chảy,.. khi uống sữa.
  • Dị ứng đạm sữa bò: Hệ miễn dịch của bé phản ứng lại với protein có trong sữa bò, gây ra các triệu chứng trên hệ tiêu hóa (đầy bụng, nôn trớ), da (phát ban, chàm) và hô hấp.
  • Hội chứng ruột kích thích (IBS): Đây là một rối loạn chức năng đường ruột phổ biến, gây ra các triệu chứng như đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón xen kẽ.
  • Táo bón: Khi phân tích tụ lâu trong ruột già, nó sẽ lên men và tạo ra nhiều khí hơn, đồng thời làm chậm quá trình tống khí ra ngoài, khiến bụng bé càng thêm chướng.

Nguyên nhân trẻ bị đầy bụng

Trẻ có thể bị đầy bụng do nhiều nguyên nhân khác nhau

Bé bị đầy bụng có nên uống sữa?

Việc quyết định có nên cho bé uống sữa khi bị đầy bụng hay không phụ thuộc rất nhiều vào độ tuổi của bé, nguyên nhân gây đầy bụng và loại sữa bé đang sử dụng.

Nếu mẹ xác định bé bị đầy bụng chỉ là do bé nuốt nhiều không khí trong khi bú thì mẹ hoàn toàn có thể cho bé uống sữa bình thường, chỉ cần thay đổi tư thế bú, cách bú và vỗ ợ hơi phù hợp.

Nếu trẻ đầy bụng do các nguyên nhân khác, mẹ cần chú ý đặc biệt đến loại sữa bé đang dùng:

Bé bị đầy bụng có nên bú sữa mẹ?

Với trẻ bú mẹ hoàn toàn, nên tiếp tục cho trẻ bú mẹ cả khi trẻ bị đầy hơi do bất dung nạp lactose. Sữa mẹ không chỉ là nguồn dinh dưỡng lý tưởng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mà còn chứa các kháng thể tự nhiên, hỗ trợ hệ miễn dịch và đặc biệt dễ tiêu hóa với đường ruột còn non nớt của bé.

Việc ngưng bú mẹ có thể khiến trẻ thiếu hụt dưỡng chất cần thiết và ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện. Tuy nhiên, để giúp giảm bớt tình trạng đầy bụng ở bé, mẹ nên lưu ý:

  • Cho bé bú đúng tư thế: Đảm bảo bé ngậm bắt vú đúng, miệng ôm trọn quầng vú để tránh nuốt quá nhiều không khí trong lúc bú. Tư thế bế nên giúp đầu và thân bé thẳng hàng, đầu cao hơn dạ dày một chút.
  • Vỗ ợ hơi sau bú: Sau mỗi cữ bú, mẹ nên bế vác bé tựa lên vai, nhẹ nhàng vỗ lưng để bé ợ hơi, giúp đẩy khí thừa ra ngoài, giảm đầy bụng.

Bé bị đầy bụng có nên uống sữa công thức?

Thông thường, bé bị đầy bụng vẫn có thể tiếp tục uống sữa công thức. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ bị bất dung nạp lactose, dị ứng đạm sữa bò hoặc hệ tiêu hóa nhạy cảm,... ba mẹ cần cân nhắc đổi loại sữa cho trẻ.

Giải pháp cho ba mẹ khi trẻ uống sữa công thức bị đầy bụng:

  • Kiểm tra lại cách pha sữa: Đảm bảo pha sữa đúng tỷ lệ nhà sản xuất hướng dẫn. Khi lắc sữa, hãy xoay nhẹ bình thay vì lắc mạnh theo chiều dọc để hạn chế tạo bọt khí.
  • Thay đổi bình sữa: Sử dụng các loại bình sữa có hệ thống van thông khí chống đầy hơi cũng là một giải pháp hiệu quả giúp giảm lượng không khí bé nuốt vào.
  • Xem xét đổi sữa cho bé: Trong trường hợp cần thiết, ba mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để lựa chọn loại sữa chuyên biệt phù hợp hơn với cơ địa của trẻ:
    • Sữa không chứa Lactose (Lactose-free): Dành cho trẻ bị bất dung nạp lactose.
    • Sữa thủy phân đạm một phần hoặc toàn phần: Protein trong sữa đã được chia nhỏ, giúp bé dễ tiêu hóa và hấp thu hơn, phù hợp cho trẻ có nguy cơ hoặc bị dị ứng đạm sữa bò.

Bé bị đầy bụng có thể tiếp tục uống sữa công thức

Tùy vào nguyên nhân gây đầy bụng, bé có thể cần đổi sang loại sữa công thức khác phù hợp hơn

Bé bị đầy bụng có nên uống sữa tươi?

Trẻ từ 1 tuổi đã có thể bổ sung sữa tươi vào chế độ ăn uống hằng ngày. Khi bé bị đầy bụng, việc có tiếp tục cho uống sữa tươi hay không cần căn cứ vào nguyên nhân gây đầy bụng cụ thể:

  • Với trường hợp đầy hơi thông thường: Trẻ vẫn có thể tiếp tục uống sữa tươi với lượng vừa phải. Tuy nhiên, cha mẹ nên theo dõi phản ứng của bé sau khi uống. Nếu tình trạng đầy bụng không nghiêm trọng, hệ tiêu hóa có thể tự điều chỉnh và thích nghi dần.
  • Với trẻ bất dung nạp lactose: Trong trường hợp này, cha mẹ có thể tạm ngưng sữa tươi hoặc chuyển sang dùng các loại sữa tươi không chứa lactose để giảm gánh nặng cho đường ruột cho trẻ.
  • Với trẻ dị ứng đạm sữa bò: Cần cho trẻ ngừng uống sữa tươi và các sản phẩm từ sữa bò. Cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ dinh dưỡng để tìm loại sữa thay thế an toàn và phù hợp hơn, như sữa thực vật (sữa đậu nành, sữa hạnh nhân...) hoặc sữa công thức thủy phân đạm.

Mách mẹ biện pháp hỗ trợ giảm đầy bụng cho bé tại nhà

Bên cạnh điều chỉnh việc uống sữa, cha mẹ có thể áp dụng thêm một số biện pháp đơn giản tại nhà để giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn.

  • Massage bụng cho bé: Dùng các đầu ngón tay xoa nhẹ nhàng bụng bé theo chiều kim đồng hồ, bắt đầu từ rốn rồi lan rộng ra ngoài. Thực hiện sau khi bé ăn ít nhất 30 phút.
  • Bài tập "đạp xe": Cho bé nằm ngửa, nhẹ nhàng cầm hai chân bé và di chuyển như đang đạp xe. Động tác này giúp kích thích nhu động ruột và đẩy khí ra ngoài.
  • Chườm ấm bụng: Dùng một chiếc khăn ấm (kiểm tra kỹ nhiệt độ để không làm bỏng da bé) đặt lên bụng bé trong vài phút. Hơi ấm sẽ giúp bé thư giãn và giảm co thắt.
  • Bổ sung men vi sinh: Men vi sinh cung cấp các lợi khuẩn giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, giảm lượng khí sinh ra trong quá trình tiêu hóa, từ đó cải thiện tình trạng đầy bụng, chướng hơi. Trước khi sử dụng, ba mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia để được tư vấn về sản phẩm phù hợp và liều dùng an toàn cho bé.

Mẹo giảm đầy bụng cho bé

Mẹ có thể giúp bé giảm đầy bụng tại nhà bằng những mẹo đơn giản

Tóm lại, việc bé bị đầy bụng có nên uống sữa hay không cần xem xét nguyên nhân gây đầy hơi và loại sữa bé đang dùng. Trẻ bú mẹ vẫn có thể tiếp tục bú mẹ bình thường. Với sữa công thức và sữa tươi, ba mẹ nên điều chỉnh khi cần thiết, nhất là khi trẻ có các vấn đề như bất dung nạp lactose hay dị ứng đạm sữa bò. Ngoài ra, kết hợp thêm các biện pháp hỗ trợ tại nhà sẽ giúp bé nhanh chóng cảm thấy dễ chịu và tiêu hóa tốt hơn.

Hy vọng rằng bài viết trên đã mang đến cho ba mẹ những thông tin hữu ích giúp hành trình chăm sóc con yêu trở nên dễ dàng hơn. Nếu cần tư vấn thêm, ba mẹ có thể gọi hotline 1900 636 985 hoặc truy cập website BioAmicus để nhận sự hỗ trợ bất cứ lúc nào.


Bài viết liên quan

Gọi ngay